Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là nơi duy nhất đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á. Trong không gian giản dị ấy, ngày mới bắt đầu từ tờ mờ sáng, sàn tập vang tiếng đếm nhịp, tiếng cơ thể chạm đất, dây cáp rít căng và cả tiếng la đau đớn nhưng vượt lên tất cả là khát vọng tỏa sáng, thôi thúc nghệ sĩ trẻ kiên trì rèn luyện.
Dõi theo từng bước chân, NSND Tạ Duy Ánh – nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, vẫn kiên nhẫn theo sát từng bước tập luyện của học trò. Dù tuổi không còn trẻ, ông vẫn tận tâm vun đắp lớp kế cận bằng kỹ thuật, tình yêu nghề và niềm tin xiếc Việt Nam có thể vươn xa. Ông chia sẻ: “Làm xiếc là lao động khổ luyện. Không có kỳ diệu nếu không trải qua mồ hôi, nước mắt và đau đớn.” Với học trò, ông là hiện thân của đức kiên trì và lòng yêu nghề bền bỉ.
NSND Tạ Duy Ánh tận tâm hướng dẫn học viên trong từng động tác, truyền lửa nghề bằng ánh mắt và cả trái tim.
Chính sự tận hiến đã giúp nghệ sĩ xiếc Việt Nam ghi dấu ấn tại nhiều liên hoan quốc tế, với tiết mục công phu kết hợp kỹ thuật hiện đại và bản sắc dân tộc. Tại ngôi trường đào tạo nghệ sĩ xiếc, mỗi ngày là một thử thách mới. Nhiều em chỉ mới 14–15 tuổi đã phải rời xa vòng tay cha mẹ, làm quen với cuộc sống nội trú. Tình bạn, tình thầy trò ở đây được xây bằng cả máu, mồ hôi và những lần “cùng ngã, cùng đứng dậy”.
Với học viên Thu Trà – người đang theo học bộ môn uốn dẻo và nhào lộn, xiếc không chỉ là nghệ thuật biểu diễn mà còn là nghệ thuật vượt qua chính mình mỗi ngày: “Có những lúc cơ thể mệt mỏi rã rời, chân tay bầm tím, nhưng chỉ cần nghĩ đến khoảnh khắc mình đứng trên sân khấu, mình lại có thêm động lực để tiếp tục.”
Phía sau ánh đèn sân khấu là những giọt mồ hôi ướt đẫm– nơi khát vọng trẻ được hun đúc từng ngày.
Nguyễn Tiến Duy, nghệ sĩ trẻ vừa tốt nghiệp trường xiếc bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên luyện tập: “Ngày mới bắt đầu, cơ thể em thường xuyên đau nhức, có những lúc cảm giác như không thể tiếp tục. Nhưng niềm đam mê và ước mơ được đứng trên sân khấu quốc tế luôn là động lực lớn lao giúp bản thân vượt qua tất cả.”
Nghệ sĩ Nguyễn Tiến Duy kể về những khó khăn, kỷ niệm với nghề.
Xiếc vượt qua rào cản ngôn ngữ, trở thành cầu nối bền chặt giữa các quốc gia và nền văn hóa, gắn kết con người bằng sự rung động trước vẻ đẹp và ý chí phi thường. Chia sẻ cảm nhận sau khi xem các buổi biểu diễn, ông Berwind (46 tuổi, Đức) nói: “Tôi từng xem nhiều chương trình xiếc ở các nước, nhưng ở đây, tôi cảm nhận được điều gì đó rất khác. Không chỉ là kỹ thuật, mà là cả một tinh thần. Mỗi tiết mục đều có câu chuyện riêng, mang thông điệp rõ ràng về sự nỗ lực, lòng tin và khát vọng. Tôi không cần hiểu tiếng Việt nhưng vẫn có thể cảm nhận được điều đó.”
Những chia sẻ chân thành không chỉ ghi nhận tài năng nghệ sĩ trẻ Việt Nam. mà còn khẳng định vai trò“cầu nối văn hóa” của nghệ thuật xiếc.
Có thể nói, nghệ thuật xiếc là sự hòa quyện giữa kỹ năng, sức mạnh nội tâm và tinh thần vượt khó. Giữa dòng chảy hiện đại, xiếc vẫn giữ sức sống riêng, kết nối quá khứ với hiện tại, nghệ thuật với đời sống. Từ phòng tập nhỏ đến sân khấu lớn, nghệ sĩ xiếc Việt là những người kể chuyện bằng đam mê và khát vọng, đưa nghệ thuật Việt vươn xa bằng trái tim kiên cường và khát vọng sáng tạo không ngừng.
Đồng tác giả: Lê Thùy, Hoài Thương, Thanh Trà